Xưa nay, người dân miền núi và trung du tỉnh Bắc Giang vẫn dùng trứng kiến để ăn và được xem như nguồn thực phẩm bổ dưỡng, có thể chữa bệnh. Tuy trong rừng có nhiều loài kiến, nhưng chỉ có một loài mà con người ăn được trứng của nó, loài kiến ấy to gấp ba, bốn lần nhiều loại kiến thường mà ta gặp, chúng có thân màu nâu (từ đầu đến ngực), riêng bụng có màu đen, chuyên sống và làm tổ trên cây.
Dụng cụ thu trứng kiến là một chiếc rá to được buộc cán dài hơn sải tay, thân cán buộc một túm hoa cỏ gianh để kiến không theo cán mà bò vào người. Tổ kiến được lấy xuống đặt vào miệng rá rồi đập liên tục cho trứng kiến rơi vào lòng rá. Động tác càng nhanh càng tránh được nguy cơ kiến cướp trứng đi. Một tổ kiến bình thường thu khoảng miệng bát ăn cơm trứng, tổ to thì hơn. Khi đã được lưng rá đem về nhà phải tiếp tục vài công đoạn nữa mới có thể đem trứng kiến chế biến thành món ăn ngon.
Đầu tiên là việc sàng sảy cho hết lá cây và tạp chất. Sàng sảy phải nhẹ nhàng để tránh vỡ trứng, nát trứng. Cái khó hơn là những con kiến già không chịu rời trứng thì phải lấy khăn mặt khô trao lướt qua lại nhiều lần trên mặt lia cho chúng bám vào rồi đem chỗ khác rũ sạch… Cứ thế nhiều lần, kiến già sẽ hết. Cẩn thận hơn có thể bỏ trứng kiến vào chậu nước sạch, ấm đãi thêm lần nữa để kiến già và tạp chất nổi lên, hớt đi là có mẻ trứng kiến an toàn vệ sinh tuyệt đối.
Trứng kiến sau khi đã làm sạch, để ráo nước. Hành củ phi thơm trong mỡ già rồi cho trứng kiến vào xào, nêm gia vị cho vừa ăn. Đảo đều khi thấy dậy mùi thơm béo của trứng kiến và mùi thơm của hành là được. Khi xôi chín tới, xới ra đánh tơi. Trộn đều với trứng kiến đã sao vàng rồi cho ra đĩa, rắc một chút hành củ phi vàng lên trên, ăn nóng. Món xôi trứng kiến sau khi làm xong có vị béo của mỡ hành, bùi bùi của trứng kiến, dẻo thơm của xôi nếp. Khi ăn nghe tiếng trứng kiến nổ lép bép trong miệng mới thấy hết cái thú vị của món ăn này. Bất kỳ ai một lần được thưởng thức xôi trứng kiến cũng sẽ nhớ mãi.