Trẻ sơ sinh bị ho là dấu hiệu của một số căn bệnh, có thể là bệnh đơn giản nhưng cũng có thể là triệu chứng của bệnh tật nghiêm trọng và nguy hiểm. Mẹ nên tham khảo một số thông tin dưới đây về các loại bệnh có dấu hiệu là ho để kịp thời điều trị cho con trẻ.
1.Trẻ sơ sinh bị ho dấu hiệu của viêm tiểu phế quản.
Viêm tiểu phế quản là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi. Tiểu phế quản nhỏ bị viêm nhiễm do loại virus hô hấp RSV gây ra, khiến tiểu phế quản bị sưng phù, tiết dịch làm đường thở bị chít hẹp dẫn đến triệu chứng trẻ sơ sinh thở khò khè. Triệu chứng lúc đầu giống như bé bị cảm (ho, sổ mũi, sốt nhẹ) về sau bé sẽ ho nhiều hơn, ho có đờm, khò khè, thở kéo lồng ngực… Bệnh này không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm phổi, đường thở nhạy cảm…
2.Trẻ sơ sinh bị ho dấu hiệu của viêm thanh khí quản.
Mẹ hãy lắng nghe tiếng ho của con, nếu tiếng ho của bé nghe ông ổng như tiếng chó sủa thì có thể trẻ sơ sinh bị viêm thanh khí quản. Đây là tiếng ho đặc trưng do thanh khí quản bị phù nề, thường gặp ở trẻ từ 3 tháng đến 3 tuổi. Nguyên nhân là do trẻ bị nhiễm virus, bị cảm lạnh… Trẻ sẽ ho nhiều vào ban đêm với các triệu chứng như thở rít, khó thở. Nếu không được điều trị khỏi kịp thời bệnh có thể chuyển sang mức độ cấp tính với biểu hiện ho, thở rít khi nằm yên, khó thở nặng, trẻ tím tái người và gây tắc nghẽn hô hấp nguy hiểm tính mạng. Ngoài ra viêm thanh khí quản cũng có thể dẫn đến viêm tai giữa, viêm khí phế quản, viêm phổi.
3.Trẻ sơ sinh bị ho dấu hiệu của viêm phổi.
Trẻ sơ sinh bị viêm phổi là căn bệnh đường hô hấp nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Mẹ cần đặc biệt chú ý quan sát và đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi thấy các dấu hiệu sau:
– Trẻ sơ sinh thở nhanh là triệu chứng xuất hiện sớm nhất (nhịp thở trên 60 lần trong 1 phút).
– Trẻ sơ sinh bị sốt, ho khàn, ho có đờm, khó thở, bú kém, li bì, thở rút lõm lồng ngực.
4.Trẻ sơ sinh bị ho dấu hiệu của viêm phế quản.
Trẻ sơ sinh bị viêm phế quản thường bắt nguồn từ những cơn ho khan từng cơn, không đờm, sau đó tiến triển thành ho có đờm, ho kéo dài vào nửa đêm và gần sáng. Bên cạnh đó, do niêm dịch phế quản bị sưng lên nên đường thở của trẻ bị hẹp lại khiến bé khó thở, thở khò khè, bú kém, mệt mỏi, có thể sốt. Khi thấy trẻ sơ sinh có các triệu chứng như trên hãy đưa bé đi khám bác sĩ để điều trị kịp thời nhằm phòng tránh các biến chứng của bệnh như suy hô hấp.
Tố Loan (t/h)