Trẻ con có thói quen bắt chước và bố mẹ là tấm gương trẻ bắt chước được nhiều nhất. Do đó, nếu muốn con có nếp sống cũng như thói quen ăn uống khoa học cha mẹ nhất định phải là người tiên phong
1. Thiết lập thời gian ăn cố định
Thói quen ăn uống khoa học trước tiên cần được biểu hiện cụ thể thông qua giờ giấc ăn uống hợp lý, khoa học. Ngay từ khi còn nhỏ, mẹ nên thiết lập một giờ ăn cụ thể, kiên trì thực hiện liên tục và nhắc nhở bé nghiêm túc thực hiện nếu bé lỡ quên. Bằng việc duy trì trong một thời gian dài, bé sẽ có được thói quen và tự giác thực hiện mà không cần ai nhắc nhở.
2. Không để trẻ xao nhãng trong bữa ăn
Có rất nhiều cha mẹ, khi trẻ biếng ăn bố mẹ thường “dụ” bé ăn bằng cách cho bé đi dạo, mở tivi, điện thoại cho bé vừa ăn vừa chơi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đây là một thói quen xấu và làm trẻ lười nhai và có thể làm ảnh hưởng đến dạ dày cũng như hạn chế hoạt động của hệ tiêu hóa.
Vì vậy, để cho trẻ ăn mẹ cần chuẩn bị cho bé một bộ bàn ăn riêng và đặt ra quy định không di chuyển, chơi đùa mà phải tập trung vào việc ăn để trẻ thực hiện. Đồng thời, đề ra các hình phạt nếu trẻ không làm đúng để trẻ rút kinh nghiệm cho những lần sau.
3. Tránh ép buộc
Tâm lý chung của các bậc cha mẹ là muốn con ăn thật nhiều, nếu lỡ con chán ăn hay thiếu cân một chút, chắc chắn đa số cha mẹ sẽ nghĩ rằng phương pháp tối ưu để con lên cân đó chính là ép con ăn nhiều hơn.
Tuy nhiên, đó lại chính là một sai lầm, thậm chí có thể gây ra phản ứng ngược. Giáo sư Benny Kerzner – Chủ tịch Khoa tiêu hoá và Dinh dưỡng trẻ em, Trung tâm Y tế quốc gia Mỹ cho biết “Trong mọi trường hợp không nên được bắt buộc trẻ em ăn vì điều này xem ra còn nguy hiểm hơn là sự duy dinh dưỡng nữa. Chúng tôi làm nghiên cứu và thấy rằng bắt buộc trẻ thường không có hiệu quả mà còn làm tổn thương tình cảm mẹ con và ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của các cháu”. Vì vậy, khi cho trẻ ăn điều quan trọng là khuyến khích các bé thèm ăn chứ không phải bắt cháu ăn đủ số lượng.
4. Chọn thức ăn phù hợp
Trong mỗi một giai đoạn phát triển của trẻ đều có từng loại thức ăn riêng, phù hợp với đặc điểm, cấu tạo của hàm răng và cả nhận thức của trẻ. Không thể cho một trẻ đang trong độ tuổi ăn dặm ăn một loại thức ăn khô cứng, cũng không thể giúp trẻ ăn ngon miệng với các món cháo loãng, nhạt chỉ dành cho các bé trong thời kỳ ăn dặm.
Chọn thức ăn phù hợp với từng thời kỳ phát triển và sở thích của mỗi bé là điều cực kỳ quan trọng nhằm gây hứng thú, kích thích vị giác và giúp cho việc tiêu hóa của trẻ được trở nên dễ dàng hơn.
5. Làm gương cho trẻ
Trẻ con có thói quen bắt chước và bố mẹ là tấm gương trẻ bắt chước được nhiều nhất. Do đó, nếu muốn con có nếp sống cũng như thói quen ăn uống khoa học cha mẹ nhất định phải là người tiên phong. Bố mẹ cần có ý thức khi tới bữa ăn, dù bận rộn đến mấy cũng nên gác lại mọi việc, tắt tivi để lại bàn ăn ngồi ngay ngắn. Những việc làm tuy nhỏ nhưng góp phần hình thành ý thức tự giác của trẻ rất nhanh.
Thảo Nguyên