Thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện cho nhiều căn bệnh ở trẻ phát triển. Trong đó, tay chân miệng, cảm cúm, viêm mũi, sốt siêu vi,… là những căn bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa mưa mà ba mẹ cần lưu ý.
Bệnh tay chân miệng.
Tay chân miệng là một căn bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa mưa do siêu vi trùng Coxsackieviruses A16 và Enterovirus 71 gây ra. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi và rất dễ lây lan.
Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng, bé sẽ sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau bụng và nổi những vết ban hồng hoặc sẫm trên da. Những vết ban thường xuất hiện nhiều ở ngón tay, ngón chân, bàn tay, bàn chân và mông của bé. Tuy không gây đau và ngứa những vết ban này thường phải mất 10 ngày mới biến mất. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị loét miệng khi mắc phải căn bệnh này.
Bệnh tay chân miệng hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, nếu con không may mắc phải, ba mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để điều trị đúng phương pháp nhằm giúp làm giảm bớt những dấu hiệu của bệnh. Đồng thời, ba mẹ cần chú ý vệ sinh sạch sẽ cơ thể bé, vệ sinh đồ chơi và môi trường sống cũng như cần cách ly bé tại nhà cho đến khi khỏi bệnh.
Bệnh cảm cúm, cảm lạnh.
Đây là căn bệnh mà bé có nguy cơ mắc phải cao nhất trong mùa mưa bởi chỉ cần bé không được vệ sinh cơ thể sạch sẽ, không được giữ ấm hay bị dính mưa thì bé sẽ dễ mắc ngay căn bệnh này.
Biểu hiện lâm sàng của khi bé bị cảm cúm, cảm lạnh là bé đau đầu, đau người, có thể kèm sốt và ho. Bệnh này tuy có thể tự khỏi nhưng nếu để kéo dài sẽ dẫn tới những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của bé như viêm phổi hay suy nội tạng,…
Để phòng ngừa căn bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa mưa này, bạn cần giữ trẻ luôn sạch sẽ, khô ráo và ấm áp, cần thường xuyên lau mồ hôi cho bé để tránh bị cảm lạnh,… Mặt khác, ba mẹ cũng nên tắm cho bé bằng loại xà bông, sữa tắm có tính năng diệt khuẩn để giúp ngăn ngừa những vi khuẩn gây ra bệnh cảm cúm và cảm lạnh ở bé.
Bệnh viêm mũi dị ứng.
Dù không gây nguy hiểm nhưng viêm mũi dị ứng có thể để lại nhiều ảnh hưởng xấu cho hệ hô hấp của trẻ nếu không được chữa trị kịp thời. Đây là căn bệnh thường xuất hiện trong giai đoạn chuyển mùa, nhất là từ mùa nắng sang mùa mưa nên mẹ cần lưu ý có biện pháp phòng tránh cho con khi tới thời điểm này.
Khi bị viêm mũi dị ứng, bé thường bị ngứa mũi, ngạt mũi, chảy nước mũi, khô họng, thường xuyên hắt hơi, có khi sốt tới 39 độ và phải thở bằng miệng. Để điều trị căn bệnh này, mẹ nên rửa mũi trẻ bằng nước muối sinh lý và tìm hiểu những tác nhân gây dị ứng để loại bỏ và phòng tránh.
Bệnh sốt siêu vi.
Sốt siêu vi cũng là một căn bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa mưa. Biểu hiện của bệnh là bé sốt cao 39 – 40 độ kèm theo các triệu chứng: mệt mỏi, chán ăn, đau cơ, đau họng và hay quấy khóc. Đây là căn bệnh cấp tính, lây lan nhanh nên bạn cần để cho trẻ nghỉ ở nhà trong khoảng thời gian trị bệnh.
Khi trẻ bị sốt siêu vi, bạn cần nhanh chóng hạ sốt cho bé bằng thuốc kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ, cho bé uống đủ nước và ăn các món nóng ấm, món canh, súp, cháo. Nếu tình hình không được cải thiện, bạn nên đưa bé tới cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời bởi trẻ nhỏ bị sốt cao mà không được hạ sốt ngay có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như co giật, giảm trí tuệ hay những di chứng về não.
An Nhiên