Khi mang thai tháng thứ 8 mẹ nên ăn những thực phẩm tươi, được chế biến tại nhà. Một chế độ ăn giàu protein, canxi, sắt, acid folic và vitamin rất quan trọng để mẹ và bé đều có sức khỏe tốt
1. Cơ thể mẹ
Vào những tuần thai trong tháng thứ 8 em bé phát triển mạnh, mẹ có thể sẽ cảm thấy hơi mệt mỏi và bụng to ra làm mẹ càng khó trở mình mà phải giữ nguyên một tư thế gây ê nhức. Sự thay đổi của hormone cũng dẫn đến các dây chằng và các khớp xương lỏng hơn khiến bạn dễ mất thăng bằng.
Các dây chằng phình to ra làm cho đôi chân mẹ bị sưng phù và di chuyển khó khăn hơn. Vì vậy, trong trường hợp này mẹ cần chuẩn bị một đôi giày to và có chất liệu mềm mại để có thể dễ dàng di chuyển và thoải mái hơn.
Trong tháng này, thỉnh thoảng tử cung của bạn sẽ có hiện tượng co thắt không gây đau và kéo dài khoảng 30 giây. Tuy nhiên, nếu có hiện tượng co thắt thường xuyên (khoảng 1 giờ có 4 cơn co thắt) rất có thể đó là triệu chứng sinh non.
Mẹ cũng sẽ có cảm giác đau đau, thậm chí tê cứng ở các ngón tay, cổ tay và bàn tay trong tháng này. Những mô ở cổ tay bạn đảm nhiệm chức năng giữ nước, làm tăng áp lực lên ống xương cổ tay. Những dây thần kinh chạy qua đường ống này có thể bị bó chặt, gây nên cảm giác tê cứng, ngứa ran, đau nhói hay đau âm ỉ.
2. Thai nhi
Bước vào đầu tháng thứ 8, em bé của bạn phát triển nhanh chóng với trọng lượng khoảng 1,4kg và dài khoảng 40cm tương đương một cái bắp cải lớn.
Đến cuối tháng thứ 8, bé nặng khoảng 1,8 kg và dài hơn 43 cm. Lúc này da của bé không còn nhăn nheo và xương đã cứng cáp hơn. Do đó, vào 2 tuần cuối tháng thứ 8 này bé sẽ có xu hướng ngọ nguậy và đạp nhiều hơn.
Lúc này, thị lực của bé tiếp tục được hoàn thiện, nhưng mới sinh ra bé vẫn có thói quen ngủ nhiều và chỉ nhìn được trong khoảng cách gần khoảng 10 cm. Đây cũng là giai đoạn em bé đã có móng chân, móng tay, tóc và lông tơ. Đặc biết lớp da của bé mềm và mịn hơn.
3. Những lưu ý khi mang thai tháng thứ 8
– Không nên có các chuyến đi dài ngày vì vào tháng thứ 8 bà bầu có thể chuyển dạ bất cứ lúc nào
– Đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống: khi mang thai tháng thứ 8 mẹ nên ăn những thực phẩm tươi, được chế biến tại nhà. Một chế độ ăn giàu protein, canxi, sắt, acid folic và vitamin rất quan trọng để mẹ và bé đều có sức khỏe tốt.
Đồng thời, mẹ cũng cần tránh xa các thực phẩm cay nóng, chế biến sẵn hoặc các thực phẩm đóng gói, nhiều chất bảo quản và chất phụ gia.
– Tránh ngồi một chỗ quá lâu, mẹ vẫn nên duy trì đều đặn các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga, kengel… giúp cơ thể nhanh nhẹn, thư giãn đầu óc, chống mệt mỏi và giúp cho quá trình “vượt cạn” sắp tới trở nên suôn sẻ hơn.
– Đi đứng cẩn thận: bởi vì trong giai đoạn này kích thước bụng quá to khiến mẹ không thể nhìn thấy được những bước chân.
Thêm vào đó, sức nặng của cơ thể lúc này sẽ dồn về phía trước nhiều hơn, gây mất thăng bằng cho cơ thể và làm mẹ dễ bị ngã. Vì vậy, khi đi đứng, lên xuống cầu thang mẹ cần di chuyển chậm rãi, nhẹ nhàng để tránh gây nguy hiểm cho cả mẹ và em bé.
Kiều Lan