Nghẹt mũi là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến mà bé thường hay gặp phải. Tình trạng nghẹt mũi kéo theo khó thở sẽ khiến bé quấy khóc nhiều, điều này làm cho không ít ông bố bà mẹ phải lo lắng vì không biết nên làm sao mới khiến bé giảm bớt được tình trạng trên.
Dưới đây là một số phương pháp đơn giản, bố mẹ có thể áp dụng tại nhà ngay sau khi trẻ có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi… Các ông bố, bà mẹ hãy cùng tham khảo để có thêm kinh nghiệm cũng như kiến thức xử lý tình trạng trên một cách dễ dàng, hiệu quả nhé.
Hút mũi cho bé
Các bé dưới 2 tuổi đều chưa có thể tự xì mũi, do vậy đây là việc đầu tiên mà mẹ nên làm ngay khi bé bị nghẹt mũi hay sổ mũi. Đồng thời cũng là phương pháp không những giúp mũi bé được thông thoáng đường thở mà còn là cách điều trị đơn giản và an toàn nhất cho các bé sơ sinh dưới 3 tháng tuổi.
Với cách làm này, mẹ chỉ cần dùng một dụng cụ hút mũi và dung dịch nước muối sinh lý natri clorid 0,9% nhỏ mỗi bên mũi một giọt. Mẹ nên lưu ý sau khi nhỏ xong một bên mũi, mẹ hãy lau sạch đầu ống thuốc để tránh đầu ống thuốc bị nhiễm khuẩn, sau đó mới nhỏ vào bên mũi còn lại. Sau khi hoàn thành xong, để khoảng thời gian 2 phút, sau đó mẹ có thể lấy dụng cụ hút mũi bằng cao su hình bóng đèn rồi nhẹ nhàng lấy chất nhầy trong mũi ra từng bên một.
Xông hơi cho bé
Hơi nước có thể giúp bé làm loãng đờm được hình thành trong mũi bé, khi hơi nước vào mũi họng, sẽ khiến cho mũi họng được sạch và thông đờm. Do vậy, khi bé tiếp xúc với hơi nước, mũi bé sẽ được thông thoáng và dễ thở hơn.
Khi thực hiện cách này, mẹ có thể rót nước nóng vào một cái cốc, cẩn thận bế bé lên sao cho bé hít được hơi nước bốc lên. Để có tác dụng tốt hơn, mẹ cũng có thể cho thêm một chút muối vào cốc nước nóng và thực hiện tương tự.
Kê gối cao cho bé
Khi bé ngủ, mẹ hãy kê gối cao hơn mọi ngày để giúp bé dễ thở hơn, đồng thời mẹ cũng nên dùng hai mu bàn tay day day cánh mũi bé. Việc này sẽ không những khiến bé cảm thấy dễ chịu hơn mà còn giúp bé nhanh chóng đi vào giấc ngủ hơn, giúp mẹ không phải đau đầu và lo lắng việc bé quấy khóc suốt đêm.
Cho bé uống nhiều nước
Nước có tác dụng làm loãng dịch mũi, đồng thời làm tăng khả năng chống chọi với vi khuẩn. Do vậy, khi bé bị nghẹt mũi thì mẹ cần cho bé bổ sung gấp đôi lượng nước bình thường.
Để làm được điều đó, mẹ hãy cho bé bú liên tục theo nhu cầu của bé, mẹ cũng có thể cho bé uống nước đun sôi để nguội ở giữa các cữ bú khác nhau hoặc cho bé uống nước trái cây khi bé đã có thể bú bình được.
Mẹ cũng nên nhớ trước khi cho bé bú hoặc uống thì hãy vệ sinh mũi cho bé và cho bé uống siro để đảm bảo bé không gặp phải khó khăn khi uống cũng như giúp cho bé giảm nhanh được các triệu chứng hắt hơi, nghẹt mũi…
Thực phẩm giúp bé mau khỏe
Để giúp cho bé tỉnh táo, dễ thở hơn thì mẹ cũng không nên bỏ qua chế độ dinh dưỡng cho bé. Khi bé đến tuổi ăn dặm, mẹ có thể nấu cháo gà hoặc súp gà bằng cách lấy nước dùng hoặc xay nhuyễn gà nấu với gạo và rau.
Mẹ có thể làm món ăn này với độ nhuyễn lỏng khác nhau tùy theo độ tuổi của bé, sau đó cho bé ăn khi còn ấm. Ngoài món cháo gà thì món cháo hành tây, cháo tía tô được người xưa hay dùng cũng rất hiệu nghiệm.
Luôn cho bé có cảm giác được yêu thương
Thời gian bị ốm, các bé rất cần được vỗ về, an ủi và luôn muốn cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ. Do vậy, các bậc phụ huynh hãy luôn tạo bầu không khí thoải mái, tránh lo lắng, cãi vã. Đây là việc làm tích cực và có thể giúp bé giảm tác động của bệnh tật.
Hy vọng những cách trên sẽ giúp mẹ xử lý dễ dàng hơn khi bé gặp phải tình trạng này. Tuy nhiên, mẹ cũng nên lưu ý nếu các biện pháp trên không có tác dụng, thì hãy đưa bé đi khám bác sĩ để chữa trị, vì tình trạng nghẹt mũi không chỉ có một nguyên nhân mà là rất nhiều nguyên nhân khiến bé có thể mắc phải. Chúc bé yêu nhà mình luôn mạnh khỏe và ăn mau chóng lớn nhé!
Điêu Thuyền (t/h)