“Của bố tốt thì kiểu gì của con cũng tốt” là quan niệm của không ít các bậc phụ huynh, điều này dẫn tới việc bộ phận sinh dục của trẻ không được kiểm tra một cách kĩ lưỡng, không phát hiện được các bệnh liên quan đến bộ phận này trong đó có bệnh tinh hoàn ẩn.
Đối với các bé trai, hiện tượng tinh hoàn ẩn không phải là quá hiếm gặp. Nhóm trẻ sinh non có tỷ lệ bị tinh hoàn ẩn là khoảng 30%, trong khi đó tỷ lệ này ở các bé sinh đủ tháng thì thấp hơn nhưng cũng chiếm từ 3-4%. Tuy nhiên, nhiều bé đã không được cha mẹ kiểm tra kĩ lưỡng cho mình và khi phát hiện ra thì đã muộn. Vì vậy, để tránh tình trạng trên các bậc phụ huynh cần tìm hiểu kĩ về hiện tượng này để có thể chăm sóc cho bé nhà mình một cách tốt nhất, khỏe mạnh nhất.
Dưới đây là một số thông tin về hiện tượng tinh hoàn ẩn cũng như cách chữa trị bệnh này cho bé như sau :
1. Thế nào là hiện tượng tinh hoàn ẩn?
Ở tuần thứ 7, thai nhi bé trai đã có sự biệt hóa thành tinh hoàn trong ổ bụng cũng như trước khi ra đời. Từ trong ổ bụng xuyên qua thành bụng ở vùng bẹn, tinh hoàn di chuyển vào vị trí bình thường là bìu. Tuy nhiên, nếu gặp trục trặc trong quá trình di chuyển thì tinh hoàn sẽ bị mắc kẹt lại và nằm đâu đó trên quãng đường nó đi qua. Đây được gọi là hiện tượng tinh hoàn ẩn.
Tinh hoàn ẩn thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tuổi. Đặc biệt, nguy cơ mắc bệnh này của trẻ sinh thiếu tháng hoặc thiếu cân sẽ cao hơn so với những trẻ còn lại.
2. Phát hiện muộn sẽ dẫn đến hậu quả gì?
Nếu trẻ bị mắc bệnh tinh hoàn ẩn thì phải được phát hiện kịp thời để có kế hoạch theo dõi và điều trị sớm cho trẻ, tốt nhất là bệnh cần được phát hiện ngay sau khi sinh vì nếu muốn khả năng sinh sản của trẻ sau này không bị ảnh hưởng thì bắt buộc phải được điều trị trước 2 tuổi. Nếu điều trị sau 2 tuổi trở đi hoặc không điều trị thì nguy cơ vô sinh của trẻ càng cao.
Ngoài ra, người mắc bệnh tinh hoàn ẩn còn có thể gặp phải các biến chứng như : xoắn vặn tinh hoàn, chấn thương vỡ tinh hoàn ẩn… và đặc biệt là có nguy cơ bị ung thư cao hơn người bình thường khoảng 10 lần. Chính vì thế nhiệm vụ vô cùng quan trọng của các ông bố bà mẹ là phát hiện bệnh của con càng sớm càng tốt để trẻ được điều trị kịp thời, tránh những hậu quả nghiêm trọng.
3. Phương pháp chữa trị
Đối với trẻ bị tinh hoàn ẩn, thường thì sau khi sinh khoảng 3 tháng tinh hoàn có thể tự “xuống”. Và nó không thể tự xuống được nữa nếu sau 1 năm. Vì vậy, trong năm đầu cần theo dõi trẻ thật chu đáo.
Trẻ sẽ được tiến hành điều trị nội khoa nếu sau 1 năm mà tinh hoàn vẫn không xuống. Nếu thấy không hiệu quả sau 3-6 tháng, để có thể đảm bảo khả năng tinh trùng của bé sau này thì cần tiến hành điều trị ngoại khoa.
4. Những dấu hiệu nhận biết
Quan sát cơ quan sinh dục của bé khi tắm là cách tốt nhất giúp các bà mẹ nhận biết bé có bị tinh hoàn ẩn hay không.
Một số dấu hiệu thường gặp ở trẻ bị tinh hoàn ẩn là:
-Trẻ hay quấy khóc
-Trẻ thường bị sưng đỏ ở vùng quanh bộ phận sinh dục
– Khi trẻ đứng mẹ có thể sờ bìu của trẻ nếu không thấy tinh hoàn thì có thể trẻ đang bị tinh hoàn ẩn
– Trẻ kêu đau khi mẹ sờ vùng bẹn và nhất quyết không cho sờ nữa
– Mẹ tiến hành sờ lên vùng bẹn khi bé nằm đồng thời cảm nhận được có một khối nhỏ di động bên trong
– Ở vùng bẹn của trẻ thường bị đau dữ dội