Đi du lịch Cần Thơ, nếu hỏi đến đặc sản làm quà, chắc chắn bạn sẽ được gợi ý chọn bánh tét lá cẩm. Món bánh độc đáo của địa phương, được quan tâm nhiều đến thành biểu tượng bánh trái đặc sản, vì độ ngon và đẹp mắt.
Đặc sản Cần Thơ làm quà như bánh tét lá cẩm rất dễ kiếm dễ mua, vì bánh ở đây rất sẵn. Bánh sẵn có trong ngày thường, càng quan trọng trong ngày lễ tết. Nếu như ngày tết của người Miền Bắc không thể thiếu món bánh chưng, bánh giầy thì với người Cần Thơ nói riêng và người dân Miền Tây nói chung – bánh tét lá cẩm chính là một trong những món bánh không thể thiếu trong những dịp xuân về.
Thật vậy, trong tâm thức văn hóa của người miền Tây, món bánh tét nói chung đã trở thành một nét đẹp không thể thay thế, trong ẩm thực, đặc biệt là mang ý nghĩa riêng trong dịp Tết đến, Xuân về. Ngày tết ở Miền Tây sẽ không còn trọn vẹn nếu thiếu đi những chiếc bánh tét, hay với người Cần Thơ, tết sẽ mất ý nghĩa sum vầy, khi thiếu bánh tét lá cẩm với sắc tím đặc biệt và hương vị thơm ngon. Hơn thế nữa, khi đời sống ngày càng phát triển, nhu cầu của người dân càng tăng cao thì bánh tét lá cẩm không chỉ “hot” trong những ngày tết mà dễ hiện diện ngay cả trong những bữa ăn hàng ngày của họ.
Theo như những người thợ bánh lâu năm ở vùng này chia sẻ thì hiện nay, bánh tét lá cẩm được chia làm 4 loại chính và có giá bán khác nhau chia theo từng loại nhân: nhân thịt muối thập cẩm có giá khoảng 80.000 một đòn, nhân mỡ giá 40.000 một đòn, nhân chuối và nhân đậu ngọt có giá rẻ nhất, khoảng 30.000 một đòn.
Nét đặc trưng nhất của món bánh này chính là màu sắc của bánh. Bánh tét lá cẩm Cần Thơ có màu tím sẫm. Đó là nhờ vào khâu chế biến những hạt nếp của thợ làm bánh. Nếp trước khi được mang ra để gói bánh thường sẽ được ngâm qua đêm sau đó trộn đều với nước lá cẩm, xào với nước cốt dừa để tạo màu và tạo hương cho bánh. Một mẻ bánh thường sẽ được luộc trong vòng khoảng 4 – 5 tiếng.
Hiện nay, ở vùng Cần Thơ đang có rất nhiều gia đình sống nhờ vào nghề làm bánh tét lá cẩm đầy kỳ công này. Quá trình làm bánh thường được thực hiện bởi cả gia đình. Những người phụ nữ với bàn tay khéo léo và tính tỉ mỉ thường sẽ đảm nhận công đoạn lựa chọn nguyên liệu và gói bánh, còn công đoạn hấp bánh thì sẽ được những người đàn ông trong gia đình phụ trách. Để có những đòn bánh tét lá cẩm thơm ngon và bắt mắt, người thợ làm bánh cần phải dựa vào kinh nghiệm của mình để phán đoán thời điểm thích hợp để vớt bánh ra khỏi nồi nấu. Vì những đòn bánh ngon nhất phải đạt được đột chín vừa phải và phù hợp nhất.
Nghề làm bánh tét lá cẩm ở Cần Thơ hiện nay vẫn còn là một nghề thủ công, tất cả mọi công đoạn đều được thực hiện bằng những bàn tay khéo léo và tinh thần cần cù chịu khó của người dân địa phương. Bánh vẫn được hấp trên nồi củi như truyền thống bao đời để đạt độ chính đều, mà vẫn giữ được hương vị của mọi thành phần bên trong lớp lá chuối.
Ở Cần Thơ bây giờ vẫn còn khá nhiều lò bánh tét lá cẩm giữ được tinh thần truyền thống như vậy. Có thể kể đến một số lò bánh khá nổi tiếng như lò bánh Bé bán ở chợ Bình Thủy, lò Tài Hoa ở chợ An Nghiệp, lò Chín Cẩm…Và không chỉ là những cơ sở cung cấp món bánh thơm ngon này, hiện nay các lò bánh nói trên còn là những địa điểm được khá nhiều du khách ghé đến tham quan. Bởi hầu như khách tham quan nào cũng muốn được nhìn tận mắt quá trình ra đời của những đòn bánh tét lá cẩm thơm ngon. Và sau đó đương nhiên là phải chọn ngay cho mình ít đòn bánh, như đặc sản Cần Thơ làm qua cho chuyến đi của mình.