Chứng tiêu chảy ở trẻ sơ sinh là một hiện tượng thường gặp và cũng rất nhanh khỏi nếu phát hiện và chữa trị kịp thời. Khi trẻ có dấu hiệu tiêu chảy, mẹ cần theo dõi để nhận biết các dấu hiệu, nguyên nhân gây ra tiêu chảy và tìm cách khắc phục hiệu quả nhất.
Dưới đây là một số thông tin về bệnh tiêu chảy, hy vọng sẽ giúp mẹ có thêm những kiến thức hữu ích giúp mẹ chăm sóc bé yêu khỏe mạnh hơn:
1. Nguyên nhân thường gặp
– Nhiễm trùng đường ruột: Là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh tiêu chảy của trẻ sơ sinh, đặc biệt virus rota còn có thể gây nên bệnh viêm ruột, viêm dạ dày và nhiều bệnh nhiễm trùng khác.
– Chứng bất dung nạp lactose: Lactose là loại đường thường thấy trong sữa. Khi cơ thể bé không sản xuấy đủ lactase – Một enzyme hỗ trợ tiêu hóa giúp phân hủy đường trong sữa và các sản phẩm được chế biến từ sữa sẽ khiến hàm lượng lactose bị tích tụ và lên men ở đại tràng, kéo theo hàng loạt triệu chứng như: Buồn nôn, đầy hơi, tiêu chảy. Đó chính là hiện tượng bất dung nạp lactose.
– Rối loạn tiêu hóa: Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh vẫn còn yếu và đang trong quá trình hoàn thiện nên khá nhạy cảm, đặc biệt là khi chuyển đổi các loại thức ăn từ bú sữa mẹ sang sữa công thức cũng có thể khiến trẻ bị tiêu chảy.
Đối với các trẻ trong thời kỳ ăn dặm, nguyên nhân gây tiêu chảy cho bé có thể là do không hợp với món ăn, cách chế biến không hợp vệ sinh…
2. Biểu hiện
Trẻ sơ sinh thường đi ngoài nhiều lần hơn người lớn và cũng không thể kết luận trẻ bị tiêu chảy nếu đi ngoài quá 3 lần/ngày. Đối với các bé dưới 3 tháng tuổi có thể đi ngoài từ 2 – 5 lần mỗi ngày, còn các bé trên 6 tháng vẫn đi ngoài 2 – 3 lần/ngày là hoàn toàn bình thường. Để nhận biết trẻ bị tiêu chảy hay không mẹ có thể dựa vào các đặc điểm dưới đây:
– Số lần đi ngoài nhiều hơn so với những ngày khác
– Phân lỏng cho đến rất lỏng, loãng hoặc chỉ toàn nước, màu sắc thay đổi, mùi tanh
– Trẻ bị tiêu chảy nặng do nhiễm trùng đường tiêu hóa trong phân có thể có lẫn máu
– Thường hay quấy khóc, khó chịu, bú kém, có thể kèm sốt, nôn ói.
3. Cách khắc phục chứng tiêu chảy
– Cho trẻ bú nhiều hơn, nếu trẻ đã biết ăn dặm cho trẻ uống thêm nước lọc để tránh mất nước
– Cho trẻ uống khoảng 50ml nước Oresol sau mỗi lần đi ngoài để bổ sung lượng nước đã mất
– Vệ sinh sạch sẽ tay và cơ thể trước khi cho bé bú và sau khi thay tã
– Khi có các biểu hiện nghiêm trọng như: Đi ngoài phân lỏng và liên tục trong 2 tiếng đồng hồ, xuất hiện máu và chất nhầy trong phân, không chịu bú, mắt trũng, sốt cao, cơ thể yếu ớt, mệt mỏi, tiêu chảy kéo dài 1 tuần hoặc hơn… mẹ cần đem trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chữa trị kịp thời, tránh tự tiện mua thuốc về dùng vì có thể gây nguy hiểm cho trẻ.
Bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh là một căn bệnh rất phổ biến, có diễn biến rất nhanh, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy thận, suy hô hấp, thậm chí tử vong. Vì vậy, trong quá trình chăm sóc trẻ mẹ thường xuyên theo dõi sự thay đổi của hệ tiêu hóa và cơ thể trẻ để phòng ngừa và chăm sóc bé đúng cách nếu trẻ bị tiêu chảy.
Ánh Nguyệt