Mỗi con người sinh ra, ai cũng có sở trường và khả năng sáng tạo ở một, thậm chí nhiều lĩnh vực khác nhau. Ngay từ nhỏ, nếu người lớn biết cách khơi gợi, khuyến khích và duy trì phát triển sự sáng tạo của trẻ, chắc chắn trong tương lai trẻ sẽ thành công và trở thành một con người có ích cho gia đình và xã hội.
Bài viết sau đây xin gửi đến các bậc bố mẹ một số bí quyết khơi dậy sự sáng tạo của trẻ:
1. Cho phép con lựa chọn
Tính sáng tạo của người lớn thường gắn với yêu cầu tạo ra cái mới, độc đáo và có chủ đích. Còn đối với trẻ em, sự sáng tạo của bé thường bắt nguồn từ sự bắt chước, mô phỏng và thường không có chủ đích.
Tuy nhiên, không vì vậy mà bố mẹ nên cấm cản bé không được làm cái này, cái kia nếu việc làm đó không mang lại hiệu quả. Thay vào đó, bố mẹ nên định hướng, giúp bé có sự lựa chọn và so sánh để phát huy được hiệu quả của tính sáng tạo tốt nhất. Chẳng hạn như, bé thích vẽ nhưng lại thường hay vẽ lên bàn ghế, bố mẹ có thể đưa ra cho bé 2 lựa chọn: Một là vẽ lên bàn ghế, bẩn bàn ghế, 2 là vẽ lên giấy trắng, sạch sẽ lại vừa có thể đóng khung hoặc giữ làm kỷ niệm lâu.
Việc đưa ra cho bé các lựa chọn đó không chỉ khiến các bé được tôn trọng, mối quan hệ giữa bố mẹ và bé trở nên thân thiết, gần gũi còn giúp bé không bị áp đặt và thỏa sức sáng tạo có chủ đích.
2. Khuyến khích trẻ đọc sách
Có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng đọc sách phù hợp sẽ mang lại những lợi ích vô giá cho trẻ. Đọc sách chính là phương pháp tốt nhất để dung nạp kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn. Theo lời khuyên của các chuyên gia, đọc sách ngay từ khi bé còn trong bụng mẹ và khi bé vừa mới sinh ra chính là hình thành những bước đầu tiên giúp con bước đầu bước vào kho tàng tri thức, đồng thời mang lại cho bé sự thông mình, những đam mê và niềm vui với sách…
Mặt khác, giai đoạn còn nhỏ, khả năng bắt chước và trí nhớ của bé rất tốt nên đọc sách không chỉ giúp bé tích lũy được vốn từ vựng phong phú, kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo và trau dồi khả năng giao tiếp mà còn giúp thính giác, thị giác của bé phát triển tốt hơn.
Ngoài ra, duy trì thói quen đọc sách còn giúp bé biết cách điều chỉnh lối sống, nề nếp sinh hoạt khoa học ở trẻ. Ví dụ như: Theo thói quen, đọc sách vào 8 giờ mỗi tối, bé sẽ tự ý thức và sắp xếp hợp lý việc chơi, xem phim, ăn uống để tự đi đọc sách.
3. Cùng bé sáng tạo từ những thứ sẵn có
Cùng bé và khuyến khích bé tận dụng các vật dụng sẵn có để tạo ra những vật dụng mới. Việc này sẽ giúp cho bé có điều kiện phát huy khả năng tưởng tượng, sáng tạo của mình. Đồng thời, giúp bé biết cách trân trọng và có ý thức tận dụng và tái chế những đồ dùng đã cũ thành những đồ mới có ích.
Ví dụ, 1 tờ bìa các tông có thể biến thành kính viễn vọng, tháp, hoặc con người. 1 hộp sữa, hộp bánh đã hết cũng có thể trở thành chiếc điện thoại hay ô tô tự chế,… Đồng thời, bố mẹ đừng quên khen ngợi các ý tưởng của trẻ, ca ngợi bé có trí tưởng tượng tốt.
4. Lắng nghe suy nghĩ của bé
Hãy để trẻ tham gia vào các câu chuyện mà bố mẹ đang kể. Bố mẹ có thể bắt đầu kể 1 câu chuyện và khuyến khích trẻ cùng tham gia bằng cách tự xây dựng thêm các chi tiết cho câu chuyện nhưng vẫn thống nhất theo 1 phong cách từ đầu đến cuối truyện. Trẻ sẽ tự tưởng tượng các nhân vật sẽ làm gì, sẽ ra sao, đối xử với nhau như thế nào? Biết đâu, chính trẻ sẽ tự sáng tạo thêm khá nhiều câu chuyện thú vị.
Hòa Mi